“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

CHÙA RATANADIPÀRÀMKOSKEO (Ô MỊCH)

Chùa Ô Mịch theo Tiếng Khmer Ô là vùng đất trũng thấp, Mịch (Mịt) là con vít một loài trong họ rùa. Ô Mịch có nghĩa là vùng đất trũng thấp có nhiều rùa sinh sống. Còn theo tiếng Pali RATANATDIPÀRÀMKOSKEO) nghĩa là nơi có nhiều kim cương hoặc vùng đất có nhiều tài nguyên hay vùng đất tốt.

Cổng vào chùa Ô Mịch

Chùa RATANATDIPÀRÀMKOSKEO (Chùa Ô Mịch) tọa lạc ở ấp Ô Mịch, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chùa nằm cách thị trấn Cầu Kè khoảng 2,5 km về hướng đông nam, cách thành phố Trà Vinh khoảng 49 km về hướng tây. Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Ô Mịch có những đặc trưng chung của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ là khuôn viên rộng với nhiều công trình kiến trúc. Các công trình gồm có: rào, cổng, tháp cốt, sala, tăng xá, chính điện. Cổng chùa quay mặt về hướng nam được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo phong cách kiến trúc cổ truyền của người Khmer.

Bên ngoài chánh điện chùa Ô Mịch

Vào cổng khoảng 30m bên trái là hô trai, nơi thờ cúng hòa thượng Thạch Som cùng các vị sư. Tiếp đó là sa la (trường học) nơi để cho các vị sư học tập chữ nghĩa, đạo pháp. Bên phải là tháp cốt hòa thượng Thạch Som xây dựng năm 2012. Cách cổng khoảng 80m bên phải là chính điện. Chính điện là công trình quan trọng với kiến trúc quy mô nhất, là nơi tập trung tài năng, kỹ xảo của những nghệ nhân Khmer và biểu thị các giá trị kiến trúc, điêu khắc, hội họa truyền thống của dân tộc.

Chính điện chùa Ô Mịch thì hiện nay có 4 cửa ra vào, hướng đông 2 cửa, hướng tây 2 cửa. Vách chính điện được xây bằng tường gạch. Bốn vách mặt trong chính điện đều được trang trí các tranh vẽ với chủ đề về cuộc đời của đức Phật từ lúc đản sinh đến khi đắc đạo rồi nhập niết bàn. Nội thất chính điện là một gian phòng rộng, nơi tín đồ đến thực hành nghi lễ. Nằm sát vách ở hướng tây là bàn thờ Phật. Chính dưới bàn thờ Phật sư cả Thạch Som đã cho làm một hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Hầm bí mật dạng hình vuông có thể chứa trên 20 người có cửa ra vào nằm phía sau bàn thờ Phật. Cửa ra vào cũng hình vuông mỗi cạnh khoảng 40cm có nắp đậy. Hầm bí mật này sau ngày giải phóng, vào năm 1977 khi tu bổ lại chùa thì được lấp lại.

Trên bàn thờ Phật được bố trí nhiều tượng Phật lớn nhỏ khác nhau. Tượng lớn nhất là tượng Phật Preas-chi ngồi trên tòa sen cùng hàng chục tượng Phật nhỏ khác tất cả đều đặt quay mặt về hướng đông. Trên các diềm mái đều có đắp hình tượng Chhu-hia bằng xi măng (hình tượng rồng cách điệu) cong vút lên trên.

Chính điện có hành lang bao quanh được ngăn cách bởi lan can và hàng rào. Hành lang bậc trên nền lát gạch bông, lan can xây bằng tường gạch. Hành lang bậc dưới nền lát gạch tàu, hàng rào bằng khung sắt, cột rào bằng tường gạch. Trên mỗi đầu cột rào đều gắn hình tượng hoa sen, biểu tượng của trí tuệ tuyệt luân.

Chùa Ô Mịch là ngôi chùa có nhiều đóng góp cho cách mạng trong cuộc kháng chiến chống  giặc ngoại xâm. Do chùa tọa lạc trên một địa bàn hiểm yếu, sư sãi, phật tử một lòng một dạ đi theo Đảng, cho nên chùa trở thành chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Nhiều cán bộ kể cả cán bộ người Kinh đã được sư sãi, phật tử nuôi chứa, chở che, bảo vệ. Chùa là cái nôi của phong trào cách mạng trong vùng, là nơi khởi xướng và đi đầu trong phong trào đấu tranh chính trị. Nhiều vị sư sãi sau khi hoàn tục đã tham gia kháng chiến. Điều này đã minh chứng cho tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta, sẵn sàng cống hiến, hy sinh tính mạng của mình vì độc lập tự do của dân tộc.

Đặc biệt, sư cả Thạch Som, đã có gần 15 năm thoát ly đi kháng chiến và giữ nhiều trọng trách ở Nam Bộ như: Chủ tịch Hội Sư sãi đoàn kết Khmer Nam Bộ, Phó Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Khu Tây Nam Bộ, rồi Ủy viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Sư cả là tấm gương cho nhiều vị sư, thanh niên Khmer noi theo. Ngày 18/10/2016 Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 2194/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Ratanadipàràmkoskeo (Chùa Ô Mịch) là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Hình ảnh: Trần Ti Ni

Nội dung: Trương Phúc Vĩnh

(được trích từ  tài liệu hồ sơ, khoa học Lý lịch di tích lịch sử chùa Ratanadipàràmkoskeo (Chùa Ô Mịch) của Bảo tàng tổng hợp thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh.)

Đơn vị thực hiện: Huyện Đoàn Cầu Kè

Cầu Kè vùng đất giàu tiềm năng về du lịch

Du lịch Trà Vinh

Trung tâm xúc tiến Du lịch Trà Vinh

Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh

 

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn