“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

VẠN NIÊN PHONG CUNG – NGÔI CHÙA TRÊN MẢNH ĐẤT THIÊNG CẦU KÈ

Đến với vùng đất thiêng, Cầu Kè quê tôi nơi có những “chuyện xưa tích cũ” mang dấu ấn ngàn đời. Vùng đất Cầu Kè là sợi dây gắn kết giữa 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa cùng chung sống thuận hoà nơi miền tín ngưỡng. Theo thống kê năm 2020 cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện Cầu Kè có 64 cơ sở phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng.  Trong đó có 22 ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer, 23 ngôi chùa của dân tộc kinh và 19 ngôi chùa, đền của dân tộc Hoa. Trong số đó, nổi bật nhất chính là chùa Vạn Niên Phong Cung (hay còn gọi là Chùa Ông Bổn 3). Đây là một trong những di sản văn hoá phi vật thể của người Hoa tại huyện Cầu Kè được bộ trưởng bộ văn hoá, thể thao và du lịch công nhận.

Đông đúc nhất phải kể đến ngày lễ Vu Lan Thắng Hội tại chùa Ông Bổn 3 huyện Cầu Kè. Ở Cầu Kè, Vu Lan thắng hội diễn ra tại các chùa Ông Bổn rải rác trong suốt Tháng Bảy âm lịch, hoành tráng nhất là lễ hội ở chùa Vạn Niên Phong Cung trong 4 ngày từ 25 đến 28. Ngày “vào đám”, chùa liên tục tổ chức các buổi trai đàn có sự tham gia của các chư tăng ở Vạn Hòa cổ tự và sư sãi Chùa Khmer trong phạm vi nội ô thị trấn.Tất cả diễn ra trong âm thanh dồn dập, náo nhiệt của dàn “tùa lầu cấu” (dàn nhạc gồm: trống lớn với phèng la, chập choã, chiêng và kèn lá). Điểm đặc sắc nhất trong phần lễ ở các chùa là lúc Ông Bổn “lên” thể hiện sức mạnh siêu phàm của mình bằng nhiều cách rùng rợn, nguy hiểm. Trong tiếng trống, kèn, chiêng rộn rã, các Ông mặc đồ đỏ, bịt khăn đỏ, tay cầm gươm bén múa may, nói tiếng Tiều rất lưu loát. Có ông dùng dao nhỏ thật bén rạch lưỡi, dùng cọ thấm máu lưỡi vẽ lên những nét chữ đỏ thẫm lên tờ giấy hình chữ nhật dài màu vàng nhạt. Người ta gọi đó là bùa và thỉnh về dán trong nhà để được bình an, mua may bán đắt. Vào ngày lễ này người dân đều kéo về tại Thị trấn Cầu Kè để chứng kiến cảnh ông lên và xin bùa ông về treo trước cửa nhà để đuổi tà ma. Người người từ thành phố đổ xô về đây để xem Ông lên và cầu bình an cho gia đình, sẵn dịp về Cầu Kè để ăn các món đặc sản dân dã nơi đây.

Miền đất Cầu Kè thân thương quê chúng tôi là nơi đưa người đi và luôn ngóng chờ người con xa trở về. Quê tôi là như thế dân dã nhưng chứa chan tình người. Ngày Vu Lan Thắng Hội cũng đã dần đến, tôi kính mong những người con xa quê sẽ sớm trở về để tham dự lễ hội cầu bình an cho cha mẹ và gia đình của mình. Hi vọng những người chưa có dịp về nơi miền Cầu Kè này đây rồi sẽ có cơ hội về đây tham quan cảnh sắc rộn rã Cầu Kè- Trà Vinh quê hương tôi trong những ngày hội đến. /.

                                             Nguồn: Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của quốc gia, địa phương (huyện Cầu Kè).

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn