“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

Chùa SĀLAVANA (Chùa Tà Ốt)

Chùa Sālavana (chùa Tà Ốt) là một trong những địa điểm được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Tên gọi Sālavana xét theo tiếng Pali thì: Sālavana nghĩa là rừng tha la. Trước đây, vị trụ trì đầu tiên đặt chân đến vùng đất này thấy khắp nơi là rừng cây rộng lớn, nhìn đâu cũng thấy một màu xanh nên ông gọi là rừng tha la. Đến khi xây dựng chùa ông đặt tên chùa là Sālavana. Nếu ta cắt nghĩa chữ Tà Ốt theo tiếng Khmer thì Tà là ông, còn Ốt là tên riêng của một người. Những người cao tuổi trong vùng cho biết đó là tên thường gọi của vị sư đầu tiên xây dựng và trụ trì chùa, nên người dân gắn tên ông với tên chùa, để thể hiện lòng biết ơn của mọi người đối với công đức của vị sư đáng kính. Ngoài tên gọi đó ra thì chùa Tà Ốt còn được người dân nơi đây gọi là chùa Xóm Lớn – gọi theo địa danh hành chính một ấp của xã Châu Điền.

Chánh điện chùa Tà Ốt

Chùa Tà Ốt tọa lạc ở ấp Xóm Lớn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè,  tỉnh Trà Vinh. Theo tài liệu ghi chép của chùa thì chùa Tà Ốt được tạo dựng vào ngày 10/04/1736 (dương lịch), năm 2280 theo Phật lịch. Từ khi xây dựng đến nay chùa đã trải qua 16 đời sư cả, mỗi đời sư cả trụ trì đều có nhiều công sức đóng góp cho Phật giáo cũng như sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các vị sư cả nói riêng cũng như các vị sư của chùa và bà con phật tử đều hết lòng hỗ trợ, giúp đỡ quân cách mạng trong suốt hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Nhìn chung di tích chùa Tà Ốt được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng chung của một ngôi chùa Khmer Nam Bộ, khuôn viên khá rộng với nhiều công trình kiến trúc cơ bản như: hàng rào, cổng, tháp cốt, sa la, tăng xá, chính điện. Cổng chùa được xây dựng quay mặt về hướng Nam được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo phong cách kiến trúc cổ truyền của người Khmer.

Từ cổng chính bước vào bên phải là chánh điện, hai bên hông và đối diện chánh điện là các dãy sa la, tăng xá, trường học phục vụ cho việc sinh hoạt tôn giáo, lễ hội và giảng dạy chữ Khmer cho các vị sư, bà con phật tử và con em trong vùng. Chánh điện chùa được xây trên mảnh đất hình chữ nhật theo hướng Đông Tây. Nền chánh điện gồm hai bậc, ở bậc một có hàng rào bao quanh. Ở mặt trước và mặt sau mỗi bên có hai có hai lối lên, hai bên mặt hông mỗi bên có một lối lên. Chính điện có bốn cửa ra vào ở mặt trước và sau mỗi bên hai cửa. Mái được xây dựng theo hệ thống mái tam cấp. Hai mái trên cùng thì dốc và cao hơn các mái kia. Ở các diềm mái thì đúc hình con rồng (phu chông) thân nằm xoải dài theo bờ dải, các vảy uốn cong ngược lên làm cho đầu mái có cảm giác như nhẹ nhàng cao vút. Ở trên các đầu cột bao quanh bên ngoài chính điện trang trí các đều được gắn tượng Key no với hai cánh tay tuy có vẻ mềm mại nhưng lại rất khoẻ khoắn chống đỡ mái một cách nhẹ nhàng. Riêng mỗi đầu cột nằm ngay góc đều được gắn tượng chim Krud. Với nghệ thuật hóa trong việc biến cây chống đỡ mái bằng chim Key no và chim Krud đã thể hiện ý tưởng của các nghệ nhân Khmer trong việc kết hợp giữa khoa học và nghệ thuật để xây cất vừa đảm bảo tính vững chắc, vừa làm tăng thêm vẻ đẹp lại vừa tăng thêm tính tôn nghiêm oai vệ nơi thờ đức Phật. 

Di tích chùa Tà Ốt chính là biểu tượng của tình đoàn kết đồng bào Kinh – Khmer, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo của kẻ thù. Không chỉ có cán bộ, sư sãi và phật tử người Khmer mà còn có cán bộ, sư sãi và phật tử người Kinh vào chùa trú ẩn, tu học và hoạt động cách mạng, là trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể của dân tộc Khmer để hòa nhập với đời sống hiện đại. Ngày 24/7/2020 Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 2805/QĐ-UBND xếp hạng Chùa Sălavana (Chùa Tà Ốt) là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Nguồn ảnh: Trần Ti Ni.

Nội dung: Thạch Sang.

(được trích từ tài liệu hồ sơ, khoa học Lý lịch di tích lịch sử Chùa Sălavana (Chùa Tà Ốt) của Ban Quản lý Di tích thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2020).

Đơn vị thực hiện: Huyện đoàn Cầu Kè.

Cầu Kè vùng đất giàu tiềm năng về du lịch

Du lịch Trà Vinh

Trung tâm xúc tiến Du lịch Trà Vinh

Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh

 

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn