Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (tức Út Tịch), Gọi theo cách gọi của bà con trong vùng là tên ghép của Nguyễn Thị Út và chồng chị là anh Lâm Văn Tịch.
Nguyễn Thị Út (Út Tịch) sinh ngày 19/4/1931 tại xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Cần thơ. Dưới thời Mỹ ngụy là xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Bình. Hiện nay là xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè tỉnh Trà Vinh.
Cha Nguyễn Thị Út là ông Nguyễn Văn Lương, người làng Tích Thiện, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ. Mẹ là bà Lê Thị Mười quê xã Tam Ngãi, quận Cầu Kè. Ông bà cùng cảnh ngộ là đi ở đợ cho địa chủ Hàm Giỏi.
Nguyễn Thị Út sinh ra trong nhà địa chủ Hàm Giỏi, vì vậy từ khi nhỏ chị phải làm việc cho địa chủ để kiếm miếng ăn, hết Hàm Giỏi đến con y là Hội đồng Thanh.
Năm 1944, ông Nguyễn Văn Lương lâm trọng bệnh, theo lời khuyên của cha vợ ông về cất nhà ở nhờ trên đất của ông Lê Văn Sơn em bà Lê Thị Mười tại ấp Ngãi Nhất (thường gọi là Cây Sanh), xã Tam Ngãi. Nguyễn Thị Út vẫn tiếp tục cuộc đời ở đợ cho Hội đồng Thanh. Cũng năm này ông Nguyễn Đình Lương qua đời, khi Nguyễn Thị Út mới 13 tuổi.
Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Mặt trận Việt Minh đã ra tuyên ngôn, kêu gọi toàn thể đồng bào cùng nhau đoàn kết phá xiềng xích nô lệ, giải phóng đất nước. Năm 1944 phong trào cách mạng lớn mạnh, lan rộng khắp các địa phương, Nguyễn Thị Út được các anh em cách mạng giải phóng cuộc đời nô lệ bằng việc trả 1 đồng bạc nợ cho địa chủ.
Cách mạng tháng Tám thắng lợi chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Trên khắp các chiến trường ta tổ chức phục kích đánh quyết liệt gây cho địch một số thiệt hại. Đầu năm 1946, chúng chiếm được thị xã Trà Vinh. Ngày 8/01/1946, Pháp đưa bộ binh từ Tiểu Cần tiến xuống Cầu Kè. Ngày 20/01/1946, chúng cho thủy binh theo sông Hậu vào giồng Chông Nô hình thành hai gọng kềm đánh chiếm huyện lỵ Cầu Kè. Để tránh tổn thất, Huyện ủy chỉ đạo rút quân về Tam Ngãi, An Phú Tân sau đó vượt sông Hậu để rút về Khu IX.
Sau khi tái chiếm Tam Ngãi, thực dân Pháp tiến hành thành lập lại ban hội tề với Hương cả Quý, Hương hào Thạnh… Bọn chúng lại có điều kiện và thẳng tay đàn áp, bóc lột dân nghèo, đặc biệt là những người chống đối làm cho sự căm thù giặc càng dâng cao trong lòng Nguyễn Thị Út cùng quần chúng nhân dân. Những tấm gương chiến đấu anh dũng, ngoan cường của những người đi trước đã khơi dậy trong chị lòng cảm phục, ngưỡng mộ. Nguyễn Thị Út bắt đầu ý thức về nỗi đau, nỗi nhục của cuộc đời ở đợ, muốn được đấu tranh đòi lại những gì đã bị địa chủ tước đoạt. Chị tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến với một ý chí chiến đấu không khoan nhượng trước kẻ thù, không sợ gian khổ, hy sinh.
Tháng 12/1949, ta mở chiến dịch Cầu Kè, Nguyễn Thị Út đảm trách công tác giao liên, trinh sát của tổ chức Công an xung phong huyện Cầu Kè do đồng chí Nguyễn Hòa Luông (Chín Luông) làm chỉ huy trưởng. Chị theo dõi, nắm vững tình hình địch, báo tin kịp thời cho lực lượng quân sự địa phương và bộ đội chủ lực để phối hợp tác chiến làm cho địch chịu nhiều tổn thất như trận Rạch Cách, trận đánh đồn Bến Cát…
Đầu năm 1950, Nguyễn Thị Út xây dựng gia đình với Lâm Văn Tịch (người Kinh gốc Khmer) quê ở ấp Chông Nô, xã Hòa Ân (nay là xã Hòa Tân) huyện Cầu Kè, cũng là chiến sĩ trong lực lượng vũ trang địa phương.
Mặc dù lập gia đình nhưng Nguyễn Thị Út vẫn hăng hái tham gia công tác, vừa đảm đang việc nhà, vừa đảm bảo hoạt động giao liên, trinh sát. Chị hoàn thành nhiệm vụ là trao kế hoạch của đồng chí Nguyễn Hòa Luông cho cơ sở bí mật để tổ chức cứu một đồng chí lãnh đạo Ban Binh vận tỉnh bị địch bắt, bí mật đưa vũ khí vào Cầu Kè cho anh em giết tên quận Rùm khét tiếng ác ôn.
Năm 1953, tình hình chiến trường Cầu Kè cam go, ác liệt, đồng chí Nguyễn Hòa Luông và một số đồng chí khác hy sinh. Cũng năm này Nguyễn Thị Út sinh con đầu lòng Lâm Thị Bé. Bị địch săn lùng ráo riết, Nguyễn Thị Út phải bồng con sang tỉnh Sa Đéc lánh mặt. Tại đây, chị bắt liên lạc với cơ sở nội tuyến, cùng đồng đội đi phá cầu, lấy bót Cây Châu. Tình hình bớt căng thẳng, chị lại bồng con về Tam Ngãi.
Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ (1954) được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, Nguyễn Thị Út cùng chồng là anh Lâm Văn Tịch được phân công ở lại hoạt động hợp pháp. Chính quyền ngụy Sài Gòn không tôn trọng Hiệp định, ra sức bắt bớ, đàn áp, trả thù những người kháng chiến cũ, trong số người bị bắt có anh Tịch. Chính chị đã trực diện đấu tranh với Quận trưởng Cầu Kè, đòi thả anh Tịch và những đồng chí khác.
Do bị địch theo dõi gắt gao, vì ở quê phong trào tố cộng, diệt cộng quá khốc liệt nên Nguyễn Thị Út cùng gia đình phải tạm lánh về Kế Sách – Sóc Trăng làm ăn. Lúc này chị đã sinh thêm hai người con nữa là Lâm Thị Thanh và Lâm Thị Thoa. Tại Kế Sách, Nguyễn Thị Út móc nối với cơ sở cách mạng địa phương là anh Tám Tháo, tiến hành công tác binh vận, lấy về cho cách mạng 6 thùng đạn.
Cuối năm 1959, gia đình Nguyễn Thị Út trở về ngôi nhà cũ ở ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi sinh sống và tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm này chị sinh thêm người con thứ tư là Lâm Thị Kim Anh.
Trong phong trào Đồng khởi 1960, Nguyễn Thị Út hoạt động trinh sát, anh Lâm Văn Tịch tham gia phong trào quân sự địa phương. Bằng phương pháp binh vận, Nguyễn Thị Út tham gia lấy đồn Tám Thế mà không tốn một viên đạn. Mặc dù đang mang thai, chị cũng chỉ huy chặn đánh bọn lính đồn ấp Chông Nô III trên đường chúng hành quân về Cầu Kè, diệt 6 tên; đánh bót ấp Chông Nô 3 (tại Chòm Dừa) trong lúc quận trưởng Cầu Kè đang ở đó.
Đang lúc mang thai bảy tháng, các đồng chí lãnh đạo ái ngại khuyên Nguyễn Thị Út nghỉ ngơi chờ ngày sinh nhưng chị vẫn hăng hái cùng đồng đội đánh bót Đường Trâu.
Năm 1961, Nguyễn Thị Út sinh người con thứ năm là Lâm Văn Hiển. Chưa được một tháng sau ngày sinh, trước tình trạng thiếu đạn, chị Út đã khéo léo làm công tác binh vận, lấy nhiều đạn của địch cho cách mạng. Đồng thời Nguyễn Thị Út cũng tham gia trực tiếp trận tấn công ấp chiến lược Chông Nô 2 – một lá chắn quan trọng bảo vệ huyện lỵ Cầu Kè của kẻ thù.
Noi gương chiến đấu dũng cảm của chị Nguyễn Thị Út, chị em phụ nữ tham gia lực lượng quân sự ngày một nhiều. Do vậy, lãnh đạo cấp trên quyết định cho phép xã Tam Ngãi thành lập đội nữ du kích. Nguyễn Thị Út được cử làm tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ du kích xã. Cùng với đơn vị du kích của anh Tịch, chị đã tổ chức nhiều trận đánh, góp phần làm tiêu hao sinh lực địch, đồng thời còn tổ chức đấu tranh chính trị bằng cách vận động các mẹ, các chị rải truyền đơn, công tác binh vận.
Tháng 5/1964, Nguyễn Thị Út được Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh tuyên dương thành tích và giữ chức vụ là xã đội phó. Tháng 7/1964, chị cùng lực lượng du kích xã Tam Ngãi tập kích đồn Bà My, đồn Thạnh Phú, trong khi chị đang có thai lần thứ sáu.
Sinh người con thứ sáu là Lâm Văn Hùng chưa tròn tháng, trước tình trạng thiếu đạn, Nguyễn Thị Út đã ngồi xuồng đi làm công tác binh vận, lấy nhiều đạn địch cho cách mạng. Rồi chị cùng tham gia cùng đồng đội công kích lấy bót Bà My, sau đó tham gia chặn đánh một trung đoàn giặc đổ bộ vào ấp Tân Dinh giành thắng lợi lớn.
Với thành tích chiến đấu dũng cảm, năm 1964 Nguyễn Thị Út vinh dự được kết nạp vào Đảng nhân dân cách mạng (nay là Đảng cộng sản Việt Nam).
Tháng 4/1965, Mỹ dùng trực thăng đổ quân xuống huyện lỵ Cầu Kè trong đó có 4 cố vấn Mỹ. Chúng nã pháo liên tục vào Tam Ngãi, gây thiệt hại cho nhân dân. Nguyễn Thị Út đã cải trang ra Cầu Kè nắm tình hình để tìm cách tiêu diệt cụm pháo của địch. Nhờ mưu trí, chị đã tổ chức được người tiếp cận, điều nghiên kỹ nên đạn cối của bộ đội ta bắn trúng đích, tiêu diệt 2 khẩu đại pháo của địch.
Sau chiến công vang dội đó, Nguyễn Thị Út được cử đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua lực lượng vũ trang toàn miền. Tại đại hội, chị được bầu là nữ anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tăng thưởng Huân chương quân công giải phóng hạng nhì, với thành tích: “Đã tham gia 23 trận lớn nhỏ (có 8 trận thời kháng chiến lần I), góp phần quan trọng cùng đơn vị diệt và làm tan rã trên 200 giặc, thu 70 súng. Đồng chí là một chiến sĩ trinh sát dũng cảm và mưu trí, một chiến đấu viên ngoan cường, một chiến sĩ binh vận tài tình đã vận động phá rã nhiều binh sĩ địch, nhiều lần đưa bộ đội vào diệt bót lấy súng không tốn một viên đạn”. Lúc này Nguyễn Thị Út là xã đội phó.
Năm 1965, Nguyễn Thị Út sinh ngươì con thứ bảy là Lâm Thị Đông Xuân. Tháng 11/1966, chị được điều về Quân khu công tác. Đến năm 1968, Chị sinh người con út là Lâm Thị Hồng.
Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, chính quyền Sài Gòn tiến hành nhiều cuộc phản kích với quy mô lớn nhằm tiêu diệt cơ sở và lực lương cách mạng. Trong một trận oanh kích bằng máy bay B52 của Mỹ vào 27/11/1968 xuống vùng Vĩnh Thuận, nữ anh hùng Nguyễn Thị Út đã hy sinh và yên nghỉ cùng với người con là Lâm Thị Thoa tại Cây Bàng, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Sau ngày giải phóng năm 1977, chính quyền địa phương và gia đình đã đem hài cốt chị về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè.
Nguyễn Thị Út được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhì.
Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nữ anh hùng Nguyễn Thị Út được nhà văn Nguyễn Thi xây dựng hình tượng nhân vật chính trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng”, về sau được dựng thành phim “Mẹ vắng nhà”. Một con đường ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh và một con đường tại thành phố Trà Vinh được đặt tên Nguyễn Thị Út. Câu nói nổi tiếng của Nguyễn Thị Út “Còn cái lai quần cũng đánh”, thể hiện quyết tâm đấu tranh của mình và đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất trong kháng chiến chống Mỹ của người dân miền Nam.
Nhằm thể hiện lòng biết ơn với người nữ anh hùng đã ngã xuống vì bình yên của Tổ quốc. Năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ra Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 31/10/2012 phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch); công trình được khởi công xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2016, với tổng mức kinh phí đầu tư khoảng 36 tỷ đồng. Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út được xây dựng trong khuôn viên tổng diện tích trên 14.000 m2 bao gồm các hạng mục như: Cổng tam quan, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, nhà hội thảo – chiếu phim, nhà quản lý, nhà dừng chân và bán hàng lưu niệm….
Toàn cảnh khuôn viên khu tưởng niệm
Nổi bật trong khuôn viên khu tưởng niệm là tượng Người mẹ cầm súng – Nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út được đặt trang trọng giữa sảnh. Tượng “Người mẹ cầm súng” cao 06m (chất liệu bằng đồng), đặt trên bệ đá granit cao 1,5m được phác thảo qua “Bức chân dung Người mẹ cầm súng” thể hiện lời người mẹ dặn dò các con trước khi ra chiến trường.
Tượng đài “Chị Út Tịch”
Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út là di tích gắn liền với nhân vật lịch sử Nguyễn Thị Út, việc phục hồi di tích là nhằm tôn vinh hình tượng nữ anh hùng Nguyễn Thị Út; Thông qua di tích khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của chị. Hiểu và phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, truyền thống “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Di tích còn là minh chứng cho tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Út nói riêng và nhân dân ta nói chung trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; thể hiện đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta….qua đó sẽ góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho các thế hệ phụ nữ nói riêng và nhân dân ta nói chung, hiện tại và sau này.
Gian thờ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út
Khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (út Tịch), hiện tọa lạc tại ấp Ngọc Hồ, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, nằm cách Ủy ban nhân dân xã Tam Ngãi khoảng 1,2km về hướng Tây Nam, cách ngôi nhà củ của chị khoảng 500m hướng ra chợ Cây Xanh thuộc ấp Ngọc Hồ xã Tam Ngãi, cách thị trấn Cầu Kè khoảng 05 km về hướng Tây Bắc và cách thành phố Trà Vinh khoảng 42km về hướng Tây.
Học sinh tham quan chăm chú nghe giới thiệu về Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út
Đến với Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, thông qua các hiện vật, hình ảnh, tư liệu trưng bày, khách tham quan có dịp tìm hiểu một cách khái quát về hoàn cảnh xuất thân, quá trình tham gia kháng chiến và nhất là quyết tâm đánh giặc bảo vệ xóm làng không gì lay chuyển được của một người phụ nữ bình dị, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó, trước một kẻ thù mạnh hơn gấp bội.
Đến với Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, khách tham quan sẽ được cung cấp một cách hệ thống hơn những thành tích, chiến công trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm và những thành tựu trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân huyện Cầu Kè.
Học sinh tham quan, tìm hiểu về Khu Tưởng niệm nữ liệt sĩ Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út
Khu tưởng niệm nữ anh hùng Nguyễn Thị Út là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các địa chỉ du lịch trên địa bàn huyện Cầu Kè – vùng đất được mệnh danh “Vương quốc Dừa sáp”, bao gồm Vạn Niên Phong Cung với Vu lan thắng hội, Nhà cổ Cầu Kè ( nhà Huỳnh Kỳ), khu du lịch sinh thái vườn cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, khu Homstay xã Hòa Ân, các điểm di tích lịch sử truyền thống các mạng…
Ngày 15/8/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1235/QĐ-UBND về việc công nhận điểm du lịch khu tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Út (út Tịch).
Khu tưởng niệm Nguyễn Thị Út tại ấp Ngọc Hồ là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích lịch sử và muốn hiểu rõ hơn về cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam trong những năm tháng khó khăn. Hãy đến và trải nghiệm không gian lịch sử đầy cảm xúc này, và để tâm hồn được hòa mình vào những trang sử vĩ đại của quê hương!
Nguồn ảnh: Trần Ti Ni.
Nội dung: Thạch Ly Na.
(được trích từ nguồn tư liệu hồ sơ, khoa học lý lịch di tích lịch sử Nhà Nguyễn Thị Út (út Tịch) của Bảo tàng tổng hợp thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh)
Đơn vị thực hiện: Huyện Đoàn Cầu Kè.
Liên kết ngoài:
Cầu Kè vùng đất giàu tiềm năng về du lịch
Trung tâm xúc tiến Du lịch Trà Vinh
Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh