“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

Minh Đức Cung (Chùa Ông Bổn)

Di tích Minh Đức Cung hay còn gọi là chùa Ông Bổn có địa chỉ tại tại ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Tọa lạc trong khuôn viên 711m2, cũng như nhiều chùa Hoa thờ Ông Bổn khác, Minh Đức Cung có lối kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” (trong chữ công ngoài chữ quốc). Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên là hai dãy nhà tả đạt, hữu thông (đông lang, tây lang) hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”. Trước chùa có nhà thảo bạc (nhà vỏ ca), ngoài sân có bàn thờ Thiên Công (Ông Thiên).

Phía trước di tích Minh Đức Cung

Tên gọi Minh Đức Cung được hiểu theo nghĩa rộng là dưới sự che chở, phò trợ của Ông Bổn thì mọi điều tốt đẹp, hợp với đạo lý sẽ được ông ban phát đến với tất cả mọi người. Ngoài ra, người dân trong vùng lại còn có tên gọi khác là chùa Ông Nhất. Gọi là chùa Ông Nhất vì trong hệ thống thờ Bổn Đầu Công trên địa bàn Cầu Kè có 4 ngôi chùa: Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Nhất, Vạn Ứng Phong Cung còn gọi là chùa Ông Bổn Nhì, Vạn Niên Phong Cung còn gọi là chùa Ông Bổn Ba và Niên Phong Cung còn gọi là chùa Ông Tư. Bốn Ông Bổn này được cư dân trong vùng xem là bốn anh em trong đó Minh Đức Cung thờ Ông Nhất. Theo lời truyền kể, Minh Đức Cung được xây dựng cách nay hơn 200 năm do cộng đồng người Hoa ở đây lập nên. Lúc mới xây dựng ngôi chùa còn rất đơn sơ, đến năm 1885 thì tiến hành tu bổ quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc được giữ nguyên đến nay. Đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa tìm được tư liệu xác định chính xác ngôi chùa được xây dựng năm nào. Tuy nhiên, phía trên cửa chính ra vào chùa có tấm biển làm bằng đá chạm nổi ba chữ Hán đại tự Minh Đức Cung theo hàng ngang. Bên trái biển có hàng chữ dọc (đơn khoản) cũng bằng chữ Hán ghi: “Ất Dậu niên trùng tu”. Theo các vị cao niên trong ban hội thì “Ất Dậu niên” này là năm 1885 dương lịch. Như vậy, ngôi chùa được trùng tu cách nay 133 năm. Đây là giai đoạn nhiều cơ sở tín ngưỡng trong vùng, trong đó có nhiều ngôi chùa của người Hoa được tu bổ. Mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, sửa chữa nhưng hệ thống thờ tự nơi đây vẫn không hề thay đổi. Nhìn chung, do cộng cư với người Việt, người Khmer cho nên việc thờ tự tại Minh Đức Cung cũng dung nạp một hệ thống thần linh đa dạng, dẫn đến trong năm có đến 17 lễ tiết. Tuy nhiên, có hai lễ tiết lớn mang tính đặc trưng riêng, đó là lễ Vu lan thắng hội và Vay lân đường.

Hằng năm, cứ từ ngày 18 đến 20 tháng bảy Minh Đức Cũng sẽ thường tổ chức lễ Vu Lan thắng hội. Điểm đặc biệt ở đây là chùa không tổ chức vào ngày rằm tháng bảy âm lịch như những ngôi chùa khác. Vì chùa quan niệm rằng tháng bảy là tháng trực phá, tháng của Vu lan “mở cửa ngục” nhằm xá tội vong nhân và báo hiếu, mà quan niệm chữ hiếu trong tín ngưỡng thờ tổ tiên lại nằm trong phạm trù đạo đức truyền thống dân tộc “cùng cực điều thiện không gì hơn chữ hiếu, cùng cực điều ác không gì hơn bất hiếu”. Hơn thế, trong vùng phụ cận Minh Đức Cung có đến bốn chùa Ông Bổn, cho nên các vị tiền hiền trước đây có sự thống nhất sắp xếp lịch lễ sao cho Vu lan thắng hội ở bốn chùa Ông Bổn không trùng nhau để tất cả mọi người được tham gia. Vạn Ứng Phong Cung tổ chức ngày 8 đến ngày 10, Niên Phong Cung tổ chức ngày 15 đến ngày 16, Vạn Niên Phong Cung tổ chức ngày 25 đến ngày 28 còn Minh Đức Cung tổ chức ngày 18 đến ngày 20 tháng bảy âm lịch. Khi đến với lễ Vu Lan thắng hội, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lộng lẫy mà cổ kính của chùa mà còn nhận được những lá bùa mà khi Ông Bổn nhập xác vẽ ra để ban phát cho dân chúng cầu bình an và thịnh vượng. Ngoài lễ Vu Lan thì vào ngày rằm tháng giêng âm lịch chùa còn tổ chức lễ Vay lân đường. Vay tức vay mượn, lân đường tức con lân (kỳ lân) được làm bằng đường (đường cát trắng). Đây là một tập tục mang ý nghĩa tâm linh ở Minh Đức Cung, nhằm đem lại niềm tin cho bà con trong làm ăn, sinh sống.

Di tích Minh Đức Cung chính là minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng đất Cầu Kè – Trà Vinh nói riêng, đó là giai đoạn mà vùng đất này tiếp nhận những cư dân thuộc các dân tộc khác nhau trong đó có người Hoa đến đây khai phá, lập nghiệp. Chùa còn cho ta biết được đặc điểm văn hóa nói chung về tín ngưỡng nói riêng của người Hoa ở vùng đất Nam Bộ. Cũng như nhiều ngôi chùa khác Minh Đức Cung là cơ sở tín ngưỡng dân gian không thể thiếu trong đời sống văn hóa, đời sống tâm linh không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Cầu Kè mà còn của một bộ phận người Việt, người Khmer cộng cư trong vùng. Đó còn là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo, là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các đối tượng thờ tự và lễ hội. Tuy mang những nét riêng là thế, nhưng nhìn chung các chùa nơi đây đều mang một đặc điểm chung đó là đều hướng con người tới cái thiện, cái đẹp, hướng con người ta tiến gần hơn “chân – thiện – mỹ”. Ngày 29/1/2019 Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 410/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng Minh Đức Cung (Chùa Ông Bổn) là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Nguồn ảnh: Trần Ti Ni.

Nội dung: Thạch Sang.

(được trích từ  tài liệu hồ sơ, khoa học Lý lịch di tích Kiến trúc nghệ thuật Minh Đức Cung (Chùa Ông Bổn) của Ban Quản lý Di tích thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2018).

Đơn vị thực hiện: Huyện đoàn Cầu Kè.

Cầu Kè vùng đất giàu tiềm năng về du lịch

Du lịch Trà Vinh

Trung tâm xúc tiến Du lịch Trà Vinh

Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh

 

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn