Chùa Phước Tường tọa lạc tại Ấp I – xã Phong Phú – huyện Cầu Kè – tỉnh Trà Vinh. Chùa Phước Tường có tên gọi khác là chùa bà Năm Vàng. Chùa được xây dựng vào năm 1902 bởi vợ chồng ông Giang Bỉnh và bà Ông Thị Vàng ( pháp danh Diệu Quỳnh, Hiến đất).
Trải qua sự tàn phá của thời gian, ngôi chùa đã bị xuống cấp trầm trọng. Năm 1929 ngôi chùa được từ sửa lần đầu theo nét văn hoá lịch sử của ngôi tự cũ. Hòa thượng Thích Trí Minh là trụ trì đời thứ 8 đang đảm nhiệm chính ở chùa. Chùa Phước Tường nằm cạnh kênh sông nên có thể dùng thuyền để đến chùa hoặc dùng xe máy, ô tô, xe du lịch,…
Ảnh: Chùa Phước Tường
Chùa Phước Tường là ngôi cổ tự có tuổi thọ hơn 100 tuổi, với lối kiến trúc đậm chất truyền thống hướng theo Phật Giáo Bắc Tông. Chùa Phước Tường có kiến trúc đơn giản, nhưng cái đẹp nằm trong chính sự đơn giản đó. Khung cảnh chùa, làm xáo động bao trái tim của phật tử. Những làn gió nhẹ dịu thổi vào từng tán cây, thỉnh thoảng như đang chuyện trò cùng con sông trước chùa. Đôi khi bắt gặp vẻ sinh động từ mái chuyền của thuyền dưới sông hợp vào làn người đang đi lại trên cầu, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến uy nghi nơi đất Phật. Cổng của chùa được kết cấu đơn giản, không tuân theo Tam Quan, chỉ có một cổng chính. Khung cửa được gia công từ kim loại. Phía trước cổng treo hai câu đối liễn chữ hán. Khi vào bước chùa, ở bên trái (cùng chiều) là nơi tọa lạc của Đức Phật A Di Đà đang ngồi thiền trên đài sen dưới gốc cây bồ đề. Ở bên phải là bức Tượng Quan Âm tay cầm bình trúc với vẻ mặt hiền từ đứng thiền định trên đóa sen. Tổng thể kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa các phân khu: chánh điện, hậu tổ, nhà khách, nhà bếp, giảng đường, tháp trên, với tổng diện tích 14.000 m2. Ở bên trái chánh điện, có tượng Phật Di Lặc tọa thiền dưới mái hiên, với nụ cười thân thiện, ấm áp. Ngoại trừ tòa nhà ở cuối khuôn viên (giảng đường, nhà khách), được xây theo kiểu hiện đại, thì những gian nhà khác đều hướng theo kiểu truyền thống.
Ảnh: Khuôn viên chùa Phước Tường
Mái lợp xếp nghiêng, đao cong, gắn rồng, có long chầu đối xứng cùng quanh về bánh xe chuyển pháp luân. Trên các vách xung quanh chánh điện, hậu tổ được đổ bê tông, chạm khắc vừa đẹp vừa kiên cố. Những bức phù điêu về cảnh trí thiên nhiên, được nghệ nhân chạm khắc, tạo khung đính trực tiếp trên vách tường, càng tăng giá trị tôn nghiêm nơi thờ phụng. Chùa Phước Tường cho xây dựng khu vườn tái hiện lại lịch sử liên quan đến Đức Phật Thích Ca với những dẫn chứng hình ảnh tiêu biểu sinh động. Dưới ánh sáng thiên nhiên, khu vườn với tích về Phật rực rỡ, lung linh và trang nghiêm. Các bức tượng được chế tác tỉ mỉ, khắc họa lên tư thái, cử chỉ của nhân vật được tái hiện. Phần lớn tượng trong vườn đều thon thép vàng. Tượng thái tử Tất Đạt Đa khi còn nhỏ, với tư thế một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, đang đưa chân nhón gót trên đài sen. Hình ảnh thái tử xuống tóc, bước chân vào con đường tìm kiếm giá trị nhân sinh, tu hành. Bức tượng hoàng hậu Ma Gia (mẹ thái tử), tay nâng đóa hoa vô ưu, như một lời cảm tác ủng hộ cho quyết định của thái tử. Tượng Phật Niết Bàn nghiêng mình, xung quanh có chư tăng chầu bên là kết tinh cho những năm tháng khổ hạnh tìm kiếm và giác ngộ của chính Đức Phật. Phải nói, thợ đúc tượng là người có tâm, có tài nên mới tạo nên được sắc thái cung kính nhưng rất riêng của các chư tăng nhà phật.
Ảnh: Phật tử trong ngày lễ vu lan
Chùa Phước Tường tổ chức nhiều hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều hộ gia đình. Nguồn tài chính để thực hiện là từ ủng hộ, quyên góp của nhiều phật tử, nhà hảo tâm. Bên cạnh đó chùa còn là nơi để các Phật tử gần xa đến tham quan và tu tập về phật pháp vào các dịp lễ như: Tết nguyên tiêu, lễ Phật đản, Vu lan thắng hội,….