“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

GIỚI THIỆU VỀ CÁC ĐIỂM TÍN NGƯỠNG NGƯỜI HOA TRÊN ĐỊA BÀN XÃ HÒA ÂN

Cứ vào tháng 7 âm lịch hằng năm là mùa Lễ Vu Lan thắng hội hay còn gọi là Lễ hội cúng Ông Bổn của đồng bào người Hoa. Đây là một Lễ hội tín ngưỡng dân gian người Hoa có từ lâu đời mang đậm nét đẹp truyền thống văn hoá của cả cộng đồng dân tộc Kinh- Khmer- Hoa trên địa bàn xã Hòa Ân nói riêng và huyện Cầu Kè nói chung.

Xã Hòa Ân có 3 điểm tín ngưỡng của người Hoa tổ chức Lễ hội Vu Lan thắng hội như: Vạn Ứng Phong Cung, Thiên Đức Cung thuộc ấp Giồng Lớn và Minh Đức Cung thuộc ấp Trà Kháo. Riêng Minh Đức Cung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật vào năm 2019.

Minh Đức Cung còn gọi là Chùa Ông Bổn, tọa lạc ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Minh Đức Cung được xây dựng cách nay hơn 200 năm, lúc mới xây rất đơn sơ, đến năm 1885 thì tu bổ quy mô kiên cố và kiểu dáng kiến trúc được giữ nguyên đến nay.

Ảnh: Điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung tọa lạc ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh

Minh Đức Cung có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, tổ hợp kiến trúc gồm ba tòa nhà nằm ngang song song tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên dảy nhà tả đạt, hữu thong hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”. Trước chùa có nhà thảo bạc, ngoài sân có bàn thờ Thiên Công, bên phải có miếu thờ Thụ Thần.

Mặt chính có ba cửa ra vào, một cửa ra vào điện thờ, hai cửa hai bên ra vào tả đạt, hữu thông. Bên trong trung điện có hai cửa hông đối diện nhau thông ra tả đạt và hữu thông tạo thành ngũ môn kín. Bàn thờ thiên công xây dựng trước sân đây là dạng bàn thờ Ông Thiên của cư dân Nam Bộ.

Các cột ở trung điện đều trang trí các câu liễu đối viết bằng chữ Hán. Hai bên trung điện là sân Thiên tỉnh, bên trái là thờ Thần Long, bên phải thờ Thần Hổ cùng bốn bức tranh với chủ đề canh, tiều, ngư, mục.

 Ảnh: Điểm tín ngưỡng Minh Đức Cung

Các đầu xà, trụ đội của trung điện đều được chạm khắc và ghép những mảng chạm khắc tứ linh, tôm, cua và các điển tích. Đây là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc được tạo tác từ năm 1885.

Gian giữa chính điện thờ Đại Bổn Đầu Công, gian trái thờ Thần Nông Đại Đế, gian phải thờ Tiền Hiền – Hậu – Hiền; vách hông bên trái thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, vách hông bên phải thờ Cố Chức. Chính điện gắn các hoành phi: Thánh đức như thiên, Cộng đăng nhân thọ, Vạn cổ mông hưu, Trạch biến phụng sơn.

Từ ngày xây dựng đến nay, hệ thống thờ tự ở Minh Đức Cung không thay đổi, gồm các vị thần thánh như: Bổn Đầu Công, Néak – ta, Thần Nông Đại Đế, Quan Âm Bồ Tát, Bổn Cung Cố Viên Chi Vị, Tiền Hiền – Hậu Hiền, Thần Long, Thần Hổ, Thiên Công, Thụ Thần.

Hằng năm, Minh Đức Cung có hai Lễ hội lớn là Lễ Vu lan thắng hội (từ 18 đến 20/7 âm lịch) và Vay lân đường (15/01 âm lịch). Ngày 29/01/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 410/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Minh Đức Cung là di tích cấp quốc gia, thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật. Đồng thời đây là một trong những điểm tham quan hấp dẫn khi đến với xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè.

Một số hình ảnh khác về điểm tín ngưỡng của người Hoa tại huyện Cầu Kè

Ảnh:  Điểm tín ngưỡng  Thiên Đức Cung    

Ảnh:  Điểm tín ngưỡng Vạn Ứng Phong Cung   

                                                           Nguồn: Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của quốc gia, địa phương (huyện Cầu Kè).

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn