“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU KÈ ::.”

Nhà cổ Huỳnh Kỳ (Nhà cổ Cầu Kè)

Nhà Huỳnh Kỳ được gọi theo tên của Đốc phủ sứ – điền chủ Huỳnh Kỳ. Tên thường gọi là Nhà cổ Cầu Kè, nhân dân trong vùng còn gọi ngôi nhà này là nhà Ông Hàm, tức Hàm Kỳ hay Huỳnh Kỳ. Đây là ngôi nhà có đường nét cổ kính, vật liệu, phong cách trang trí tiêu biểu cho kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX. Ngoài giá trị về mặt về kiến trúc, nhà cổ còn là công trình đặc sắc về hội họa và điêu khắc bởi đường nét cổ kính cùng phong cách đậm chất phương Tây đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, phần lớn tiện nghi trong nhà cũng như cách bố trí và đề tài một số tranh vẽ như ngư tiều độc mục, làng quê… thì mang phong cách Á Đông – thuần Việt.

Khung cảnh nhà cổ

Nhà Huỳnh Kỳ (Nhà cổ Cầu Kè) tọa lạc ở khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Ngôi nhà nằm tại trung tâm huyện lỵ, cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km về hướng Tây.

Nếu đến Trà Vinh, đến thăm nhà cổ Cầu Kè, bạn không chỉ được nhìn ngắm những công trình điêu khắc, hội họa tuyệt mỹ mà còn được như sống lại trong bối cảnh lịch sử của tỉnh Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung vào thế kỉ XX.

Ngôi nhà được ông xây dựng vào năm 1924 theo bản thiết kế của các kiến trúc sư người Pháp theo lối kiến trúc phương Tây giao thoa với kiến trúc của dân tộc. Nghệ thuật kiến trúc thời kỳ này có xu hướng tiếp thu những cái mới trong kỹ thuật, vật liệu, kiểu thức tạo nên những kiến trúc có dáng mạnh khỏe, cầu kỳ, lạ mắt, trang nhã và phóng khoáng. Nguyên vật liệu xây dựng như cát, đá, gạch, ngói, gỗ là vật liệu trong nước, còn các loại vật liệu khác như gạch bông, khung bông sắt được đặt mua từ Pháp. Từ ngày xây dựng đến nay ngôi nhà vẫn giữ được kiểu dáng kiến trúc ban đầu và còn lưu giữ được trên 30 hiện vật trong nội thất.

Lối vào nhà cổ Huỳnh Kỳ

Mặc dù ngôi nhà chịu sự tác động của văn hóa phương Tây nhưng nề nếp của gia đình, với truyền thống văn hóa phương Đông, khi cất nhà Huỳnh Kỳ rất chú trọng đến việc chọn vị trí, chọn hướng.

Nhà Huỳnh Kỳ (Nhà cổ Cầu Kè) tọa lạc trong khuôn viên hiện tại rộng 2.887,6m2, mặt về hướng nam ra sông Cầu Kè thuận tiện cho việc giao thông thủy và đón khí hậu mát mẻ, một vị trí địa lý lý tưởng theo quan niệm dân gian “Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam”.

Cũng như nhiều ngôi nhà dân dụng khác, Nhà Huỳnh Kỳ gồm ngôi nhà chính và một số công trình khác như: rào cổng, nhà sau, nhà kho… Bao bọc toàn bộ khuôn viên ngôi nhà là rào hiện tại với 03 cổng. Rào cổng Nhà cổ Cầu Kè được xây dựng xi măng cốt thép theo kiểu thượng song hạ bảng. Bước vào rào cổng là khoảng sân khá rộng sử dụng để bố trí trồng các bồn trồng hoa kiểng.

Cổng vào Nhà cổ Huỳnh Kỳ

Qua khỏi khoảng sân đến ngôi nhà chính. Ngôi nhà chính hình chữ nhật theo hướng bắc nam, chiều dài là 20,2m, chiều rộng 18m, diện tích 318,8m2. Riêng phần mặt tiền có nhiều dải băng trang trí. Ngay chính diện phía trên cùng là hình tượng song mã chầu hoa, hai bên là hai lục bình. Dải băng kế tiếp bên dưới có khắc dòng chữ trên tấm đá cẩm thạch là Huỳnh Kỳ – Prorielaire – Cầu Kè, hai bên là hai bông hoa với chóp nhọn phía trên.

Sảnh đón nằm ngay giữa ngôi nhà được xây dựng nhô ra phía trước. Ngoài giá trị về mặt kiến trúc, ngôi nhà còn là một công trình đặc sắc về điêu khắc, hội họa. Các tượng, phù điêu trên mái, trên các đầu cột, vòm cửa, cửa sổ; các bức họa trên vách, trên trần; cách sử dụng gạch men với nhiều loại hoa văn để trang trí phần sảnh, vách ngoài và sàn nhà đã tạo cho công trình nét độc đáo riêng.

Nội thất ngôi nhà gồm 05 gian chia làm hai phần trước và sau kiểu “ngoại khách nội hưu” bên ngoài là phòng khách bên trong là phòng nghỉ. Trên trần ở mỗi gian đều được gắn đèn để chiếu sáng và trang trí. Đặc biệt, trần của toàn bộ ngôi nhà không làm bằng bê tông cốt thép mà sử dụng gỗ làm khung sườn rồi dùng lưới kẽm mắc vào khung gỗ và đắp vào một hỗn hợp vôi vữa. Từ trần đến mái nhà là một khoảng không cách nhiệt có các lỗ thông gió, vì vậy luôn tạo cho ngôi nhà mát mẻ. Phía trên hai cửa chính có gắn khung gỗ chạm thủng theo mô típ truyền thống của người Việt hình hai quả lựu. Trên trần và vách đều vẽ hoa văn hoa lá dây, trên đầu cột gắn các phù điêu trang trí. Giáp mí giữa trần và vách toàn bộ ngôi nhà là dải băng phù điêu dạng hoa lá dây.

Ngoài công trình ngôi nhà chính trong khuôn viên còn có nhà sau nằm song song với ngôi nhà chính đã được sửa chữa gần đây. Nhà sau thông với nhà chính bằng đường dẫn có trần che. Trên các đầu cột vách nhà sau và trên nóc, đầu cột đường dẫn đều được trang trí phù điêu. Bên trái là dãy nhà kho quay mặt vào ngôi nhà chính khung sườn gỗ mái 2 cấp lợp ngói âm dương và nhà vệ sinh cùng tháp canh cuối dãy nhà kho bên trái nhà sau.

Nhà cổ Huỳnh kỳ đã được xây dựng cách nay đã một thế kỷ mang những dấu ấn văn hóa riêng của con người vùng nhiệt đới. Ngoài ra sự kết hợp đa dạng và phong phú của hai nền kiến trúc và công trình đặc sắc về điêu khắc và hội họa với những đường nét hoa văn tinh xảo, tỉ mĩ, độc đáo đã tạo nên nét đẹp đặc trưng của ngôi nhà.

Nhà cổ Cầu Kè là một minh chứng cho lịch sử phát triển kiến trúc Việt Nam, là thời kỳ chuyển tiếp giữa kiến trúc truyền thống sang kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà cũng là một chứng tích cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Trà Vinh nói riêng và Nam Bộ nói chung trong những thập niên đầu thế kỷ XX. Năm 2011, ngôi nhà này đã được tỉnh Trà Vinh công nhận Di tích văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật cấp tỉnh.với những kiến trúc nghệ thuật độc đáo, ngày 12/9/2011 Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1454/QĐ-UBND xếp hạng nhà Huỳnh Kỳ (nhà cổ Cầu Kè) là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Nguồn ảnh: Trần Ti Ni 

Nội dung: Hàn Thị Minh Diệu

(được trích từ tài liệu hồ sơ, khoa học bản lược kê lý lịch di tích Kiến trúc nghệ thuật nhà Huỳnh Kỳ (nhà cổ Cầu Kè) của Bảo tàng tổng hợp thuộc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh năm 2021)

Đơn vị thực hiện: Huyện đoàn Cầu Kè

Liên kết ngoài:

Cầu Kè vùng đất giàu tiềm năng về du lịch

Du lịch Trà Vinh

Trung tâm xúc tiến Du lịch Trà Vinh

Ban quản lý Di tích tỉnh Trà Vinh

 

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn