Nhằm tiếp tục hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp và cổ vũ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, trong năm 2024, Đoàn Thanh niên huyện Cầu Kè đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, chỉ đạo Đoàn cơ sở hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ban Thường vụ Huyện đoàn đã rà soát các mô hình, ý tưởng của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện và lựa chọn ra 02 mô hình để tập trung hỗ trợ trong năm 2024: Mô hình Dùng phân dế làm phân hữu cơ và Mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp.
Nhận thấy mô hình “Dùng phân dế làm phân hữu cơ” của đồng chí Ông Thị Yến Nhi (Đoàn viên Chi đoàn ấp Tân Quy 1, xã An Phú Tân), từ việc nuôi dế thương phẩm để cung cấp cho cửa hàng chim cá cảnh, làm thức ăn cho gia cầm, gia súc đến việc tận dụng nguồn phân dế sẵn có để bón cây trồng đều mang tính chất bảo vệ môi trường như: Nuôi dế có thể sản sinh ra ít khí CO2 hơn so với các hình thức chăn nuôi khác, giúp giảm tác động đến biến đổi khí hậu; phân dế là một loại phân bón tự nhiên, giàu dinh dưỡng, giúp cải thiện độ màu mỡ của đất mà không cần sử dụng hóa chất độc hại, làm giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu;… Do đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp thực hiện hỗ trợ thanh niên tại ấp Tân Quy 1 thông qua mở lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật; chỉ đạo Đoàn các xã, thị trấn tuyên truyền về lợi ích của mô hình nuôi dế và sử dụng phân dế lồng ghép vào các cuộc sinh hoạt chi đoàn chi hội từ đó khuyến khích nhiều người tham gia; chỉ đạo xã đoàn An Phú Tân thực hiện nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xem đây mô hình điểm để thanh niên học tập và áp dụng.
Ảnh: Mô hình nuôi dế dùng phân dế bón cho cây của thanh niên tại xã An Phú Tân
Ảnh: Phân dế được ủ để bón cây trồng
Ảnh: Lớp tập huấn Khoa học kỹ thuật
Mô hình ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp của Ban Chấp hành xã đoàn Phong Thạnh cũng là một trong các mô hình bảo vệ môi trường như: phụ phẩm nông nghiệp thường bị bỏ đi hoặc đốt, gây ô nhiễm không khí, ủ phân hữu cơ giúp tái chế những chất thải này thành nguồn dinh dưỡng cho đất; sử dụng phân hữu cơ giúp vi sinh vật có lợi trong đất phát triển; phân hữu cơ giúp giảm thiểu sự rửa trôi chất dinh dưỡng và thuốc trừ sâu, bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm; tiết kiệm chi phí mua phân hóa học và tăng lợi nhuận từ việc sử dụng sản phẩm hữu cơ;…Nhận thấy mô hình đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân trong sản xuất nông nghiệp lại bảo vệ môi trường, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã phối hợp với Đoàn trường Đại học Trà Vinh mở lớp tập huấn về kỹ thuật ủ cho thanh niên và người dân.
Ảnh: Thanh niên thực hiện ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp
Ảnh: Tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp
Ngoài 02 mô hình trên, Ban Thường vụ Huyện đoàn còn thực hiện hỗ trợ về ý tưởng, nguồn lực và một số nguyên liệu để xã đoàn Thông Hòa thực hiện mô hình “Những lốp xe nở hoa”. Mô hình này sẽ tận dụng lốp xe cũ (thay vì vứt đi, những lốp xe này sẽ được tận dụng lại), sau đó thực hiện sơn màu và tiến hành trang trí để làm chậu trồng bông, làm biển cấm với các thông điệp bảo vệ môi trường.
Ảnh: mô hình “Những lốp xe nở hoa”
Việc hỗ trợ thực hiện mô hình thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức của thanh niên trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững.
Ngọc Tuyền